alt

VIÊM MŨI DỊ ỨNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

  Thứ Mon, 26/09/2022

 

 

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý rất thường gặp ở nước ta. Tỉ lệ người mắc viêm mũi dị ứng ở nước ta trung bình là 10,97%.  Với các biểu hiện tại đường hô hấp, bệnh này thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh, cúm… Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân, đặc biệt là mất ngủ, suy giảm năng suất lao động và hiệu quả học tập. Vậy viêm mũi dị ứng là bệnh gì? Làm thế nào để nhận biết bệnh? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

  1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Dị nguyên (chất gây dị ứng) là một chất vô hại trong môi trường gây phản ứng dị ứng. Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) còn được biết đến với một tên gọi khác là sốt cỏ khô (hay fever), là một phản ứng dị ứng với các chất gây dị ứng đặc hiệu. Nhưng bạn không nhất thiết phải tiếp xúc với cỏ khô để có triệu chứng, cũng như trái với tên gọi, sốt cỏ khô không có biểu hiện sốt. 

Viêm mũi dị ứng phát triển khi hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên nhạy cảm và phản ứng thái quá với một chất nào đó trong môi trường, trong khi chất này không gây ra vấn đề gì ở hầu hết mọi người.

Hình 1. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn

  1. Các biểu hiện của viêm mũi dị ứng như thế nào?

Sau khi tiếp xúc với một chất gây dị ứng ngoài môi trường, người bệnh xuất hiện các triệu chứng tại mũi sau:

  • Tắc nghẹt mũi

  • Chảy nước mũi trong (có thể nước mũi chảy qua lỗ mũi sau xuống họng)

  • Ngứa mũi, cọ xát nhiều tạo nếp nhăn ngang mũi

  • Hắt hơi liên tục thành từng tràng

             Hình 2. Chảy nước mũi trong là một triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Có thể có các biểu hiện ngoài mũi khác như:

  • Ngứa mắt

  • Chảy nước mắt

  • Quầng thâm dưới mắt

  • Đau đầu thường xuyên

  • Viêm da cơ địa: da khô, có mụn nước, ngứa…

  • Ban ngứa 

  • Mệt mỏi

  • Mất ngủ

Các triệu chứng này thường xuất hiện nhiều hơn 1 giờ trong ngày và hơn 2 tuần trong năm.

  1. Nguyên nhân nào gây viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng là bệnh do rất nhiều nguyên nhân trong môi trường sống và làm việc gây nên.

Phấn hoa cỏ, bụi nhà, nấm mốc, vảy da động vật, lông chó mèo, phân và chất tiết của động vật, tác nhân nghề nghiệp như bột mỳ, bụi bông… đều có thể là nguyên nhân gây dị ứng. Trong đó 2 nguyên nhân phổ biến nhất là phấn hoa và bụi nhà. 

  • Bụi nhà bao gồm rất nhiều thành phần, như nấm mốc, chất tiết của động vật và con người, xác côn trùng… Nhưng thành phần gây viêm mũi dị ứng trong bụi nhà chính là mạt bọ nhà (house dute mite). Ở Việt Nam, Dermatophagoides Pteronyssinus và D.farinae đã được chứng minh là những dị nguyên gây hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Chúng là những sinh vật nhỏ bé sống bằng vảy da người. Chúng cư trú trên đồ vải như ga, đệm, chăn chiếu, rèm cửa… Không có cách nào để tiêu diệt hoàn toàn mạt bọ nhà. Nhà ẩm thấp, chật chội, không thông thoáng thì lượng bụi nhà càng cao và bệnh càng dễ xuất hiện.

  • Phấn hoa: các loài hoa nở theo mùa, với lượng phấn hoa lớn, thụ phấn nhờ gió có khả năng gây viêm mũi dị ứng. Rất nhiều loài hoa có thể gây ra triệu chứng viêm mũi như hoa sữa, hoa hồng, hoa lan.... Và thường khi hết mùa hoa, các triệu chứng biến mất hoặc thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu dị ứng với nhiều loại phấn hoa khác nhau, biểu hiện viêm mũi sẽ kéo dài cả năm, gây ra sự phiền toái quanh năm cho người bệnh.

 

  1. Chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách nào?

Hỏi bệnh sử của bệnh nhân, tiền sử dị ứng bản thân và gia đình, khai thác các yếu tố tiếp xúc nghi ngờ làm nặng bệnh kết hợp với các xét nghiệm là cách để chẩn đoán viêm mũi dị ứng. Hiện nay có nhiều phương pháp cận lâm sàng hiện đại hỗ trợ cho chẩn đoán bệnh lý viêm mũi dị ứng. Các xét nghiệm này giúp chẩn đoán chính xác tác nhân gây dị ứng, từ đó đưa ra được các biện pháp phòng tránh cũng như các điều trị đặc hiệu cho người bệnh.

  • Test lẩy da (Skin prick test) với dị nguyên đặc hiệu. Các dị nguyên nguyên nghi ngờ sẽ được chọn để làm test. Phương pháp này dễ thực hiện, cho kết quả nhanh chóng, độ tin cậy cao. Tuy nhiên, kết quả test có thể bị ảnh hưởng bởi các thuốc kháng histamin và một số thuốc khác. Vì vậy, nhân viên y tế cần chú ý cho bệnh nhân dừng một số loại thuốc trước khi test để được kết quả chính xác nhất.

 

Hình 3. Ứng dụng test lẩy da trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng.

  • Định lượng IgE đặc hiệu: chỉ bằng một mẫu bệnh phẩm là máu của bệnh nhân, phương pháp này có thể chẩn đoán được rất nhiều tác nhân gây dị ứng cho người bệnh. Xét nghiệm này có thể làm trong mọi trường hợp và không gây ra triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

  • Tế bào học dịch phết mũi: bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường có lượng bạch cầu ái toan rất cao trong dịch mũi. Xét nghiệm này đơn giản, dễ thực hiện và có thể dùng để theo dõi điều trị cho người bệnh viêm mũi dị ứng để đánh giá đáp ứng điều trị.

  • Test kích thích với dị nguyên: đây là phương pháp cho người bệnh tiếp xúc lại với các dị nguyên nghi ngờ để tạo lại biểu hiện bệnh. Phản ứng dương tính nếu người bệnh xuất hiện hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi sau 15-20 phút tiếp xúc với dị nguyên. Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng.

 

  1. Điều trị viêm mũi dị ứng như thế nào?

Loại bỏ, tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng là nguyên tắc cơ bản nhất của điều trị viêm mũi dị ứng:

  • Với dị nguyên bọ nhà, thường xuyên làm sạch chăn màn, ga giường, rèm cửa trong gia đình, tối thiểu 2 tuần/lần để làm giảm bớt lượng bọ nhà trong không khí. Hạn chế sử dụng các loại thảm lông, chăn lông… Nên dọn vệ sinh nhà cửa bằng máy hút bụi, thay vì dùng chổi.

  • Với dị nguyên phấn hoa, người bệnh nên tránh tiếp xúc với những loại hoa gây dị ứng. Nên tránh ra đường, đóng cửa phòng vào mùa hoa sữa nếu dị ứng với phấn hoa này.

  • Với dị nguyên lông vật nuôi, cần tránh nuôi vật nuôi trong nhà và hạn chế tiếp xúc với chúng, đặc biệt không cho vật nuôi ngủ trong phòng ngủ. Trong trường hợp nuôi cần tắm và vệ sinh cho vật nuôi thường xuyên.

Khi đã loại bỏ các tác nhân gây bệnh khỏi môi trường sống, một số loại thuốc sau sẽ gây giảm các triệu chứng cho người bệnh:

  • Thuốc kháng histamin H1: Histamin là chất được giải phóng ra trong máu khi cơ thể người bệnh tiếp xúc với dị nguyên. Histamin là một trong số các chất gây ra các biểu hiện của viêm mũi dị ứng. Bởi vậy, dùng thuốc kháng histamin H1 sẽ làm giảm các biểu hiện bệnh.

  • Corticoid xịt mũi hoặc corticoid kết hợp với kháng histamin xịt mũi: corticoid có hiệu quả chống viêm mạnh.

  • Thuốc kháng thụ thể leukotrien.

  • Thuốc ổn định tế bào mastocyte.

  • Thuốc chống xung huyết mũi: không nên dùng kéo dài do có thể gây ngạt mũi trở lại (viêm mũi do thuốc).

Khi không thể loại bỏ được dị nguyên ra khỏi môi trường sống, các triệu chứng chứng bệnh vẫn xuất hiện dai dẳng và gây nhiều phiền toái cho người bệnh, liệu pháp miễn dịch là phương pháp đem lại hiệu quả đáng mong đợi. Người bệnh sẽ được tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh với liều lượng tăng dần và kéo dài, từ đó gây ra sự dung nạp của người bệnh với dị nguyên. Các triệu chứng viêm mũi dị ứng sẽ giảm dần và hết hẳn theo thời gian. 

 

  1. Kết luận

Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến giấc ngủ, thẩm mỹ cũng như năng suất lao động của người bệnh. Phát hiện và điều trị sớm bệnh lý viêm mũi dị ứng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện nay với kỹ thuật chẩn đoán hiện đại và các phương pháp điều trị mới nhất đã giúp cho viêm mũi dị ứng không còn là nỗi lo của người bệnh.

Đăng ký khám trực tuyến

Đặt lịch hẹn khám

Bạn đang cần được tư vấn ?

Zalo Phòng khám Tâm Phúc 0901588699