alt

VAI TRÒ CỦA VITAMIN D Ở BỆNH NHÂN LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG

  Thứ Wed, 22/06/2022

Tác giả: ThS.BSNT. Nguyễn Hồng Ngọc

Ngày nay, vitamin D được biết tới là một vi chất vô cùng quan trọng với quá trình chuyển hóa phospho-calci, giúp phát triển hệ xương, duy trì hoạt động của hệ tim mạch và kiến tạo một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tình trạng thiếu vitamin D đã được chứng minh có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong ở các bệnh mạn tính, bao gồm lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematorus - SLE). Nguồn cung cấp vitamin D chính của cơ thể con người là do sự chuyển đổi 7-hydrocholesterol thành tiền vitamin D ở da dưới tác động của tia cực tím (UVB) của ánh sáng mặt trời. Tuy vậy, tia cực tím đã được chứng minh có vai trò làm trầm trọng bệnh lupus, đặc biệt ở những người có tình trạng nhạy cảm ánh sáng. Chính vì thế, họ thường hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và nguy cơ thiếu vitamin D tăng mạnh ở quần thể này. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để xác nhận hậu quả của thiếu hụt vitamin D ở người bệnh SLE cũng như đưa ra những phác đồ bổ sung vitamin D phù hợp. Bài viết này giúp người bệnh lupus hiểu hơn về vai trò của vitamin D và cách dự phòng thiếu hụt vi chất này.

1. Vitamin D có vai trò gì?

Vitamin D là một vitamin tan trong dầu, có vai trò quan trọng trong chuyển hóa phospho-calci và quá trình tạo xương. Nhiều nghiên cứu gần đây đang cho thấy mối liên hệ giữa thiếu hụt vitamin D với ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, các bệnh tự miễn dịch và trầm cảm.

Nguồn chính cung cấp vitamin D của cơ thể người là qua quá trình chuyển hóa ở da (chiếm 50-90%) và qua thức ăn. Tại da, 7-hydrocholesterol được chuyển hóa thành tiền vitamin D dưới tác động của tia cực tím (UVB) của ánh sáng mặt trời. Vì vậy, ánh sáng mặt trời có vai trò quan trọng trong tổng hợp vitamin D. Thức ăn cung cấp một lượng nhỏ vitamin D, thường từ gan cá. Những nguồn này cung cấp ergocalciferol (D2) và cholecalciferol (D3) được chuyển hóa tương ứng thành 25-hydroxy-vitamin D2 (25-OH-D2) và 25-hydroxy-vitamin D3 (25-OH-D3) trong gan. Chúng được chuyển thành dạng vitamin D hoạt động nhất là 1,25-dihydroxyvitamin D  bởi enzyme 1-alpha-hydroxylase ở thận. 1,25-dihydroxyvitamin D có hoạt tính tăng hấp thu calci ở ruột và tiêu hủy xương (khi nồng độ quá cao), đồng thời làm giảm bài tiết calci và phospho ở thận.[1]

Hình 1. Ánh sáng mặt trời có vai trò quan trọng trong tổng hợp vitamin D.

2. Tại sao người bệnh SLE thường bị thiếu vitamin D?

Vitamin D có vai trò như một hormon steroid với hiệu quả điều hòa trong quá trình sinh trưởng, tăng sinh, chết tự thân và chức năng của hệ thống miễn dịch - có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của lupus ban đỏ hệ thống.

Ánh sáng mặt trời, đặc biệt là bức xạ tia cực tím đã được chứng minh có vai trò làm trầm trọng bệnh lupus, đặc biệt ở những người có tình trạng nhạy cảm ánh sáng.[2] Vì vậy,  người bệnh SLE thường được khuyên rằng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, sử dụng kem chống nắng và các phương pháp chống nắng vật lý. Tuy nhiên đây lại là một trong số các nguyên nhân góp phần gây thiếu vitamin D ở người bệnh lupus. Các nguyên nhân khác là do tình trạng suy thận, sử dụng các thuốc như corticoid, thuốc chống động kinh, thuốc chống sốt rét và thuốc ức chế calcneurin làm thay đổi chuyển hóa vitamin D và giảm điều hòa chức năng của thụ thể vitamin D.[3]

3. Thiếu vitamin D ở người bệnh SLE gây ra hậu quả gì?

Nghiên cứu của Kamen và cộng sự đã cho thấy nồng độ 25-hydroxyvitamin D thấp một cách có ý nghĩa ở người bệnh SLE so với nhóm chứng khỏe mạnh.[4] Mối liên quan giữa thiếu vitamin D và SLE có tính chất hai chiều (Hình 2).[3] Đa số người bệnh lupus hoạt động bệnh mạnh có nồng độ vitamin D thấp. Cơ là một trong số những mô nhạy cảm nhất với thiếu vitamin D gây yếu cơ và mệt mỏi. Hơn thế nữa, sự phát triển của ung thư và bệnh tim mạch, tăng sự nhạy cảm với nhiễm trùng và bệnh tự miễn cũng có liên quan đến thiếu hụt vitamin D.

Hình 2. Mối quan hệ hai chiều của thiếu vitamin D ở người bệnh SLE và hậu quả.[3]

3.1. Thiếu vitamin D và hoạt động bệnh lupus

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn đặc trưng bởi sự xen kẽ các đợt bệnh hoạt động và đợt bệnh ổn định. Các nghiên cứu đã cho thấy tăng mức độ hoạt động bệnh và sản xuất tự kháng thể trên các bệnh nhân lupus có thể do tình trạng thiếu vitamin D. Nghiên cứu của Mok và cộng sự trên 378 bệnh nhân SLE cho thấy mối tương quan nghịch biến giữa nồng độ 25-hydroxyvitamin D3 và điểm số mức độ hoạt động bệnh.[5] Kết quả chỉ ra rằng, sự thiếu vitamin D có thể góp phần vào sự tiến triển của hoạt động bệnh lupus. Một báo cáo khác trên một nhóm lớn bệnh nhân SLE tại Úc cho thấy thiếu vitamin D liên quan đến hoạt động bệnh cao hơn, đồng thời, sự gia tăng nồng độ vitamin D trong huyết thanh có liên quan đến giảm hoạt động bệnh theo thời gian.[6]

3.2. Thiếu vitamin D ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp và gây mệt mỏi

Người bệnh SLE có tình trạng giảm sức bền, giảm khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống và thường xuyên gặp tình trạng mệt mỏi. Tình trạng thiếu vitamin D có thể là nguyên nhân gây yếu cơ do sự giảm số lượng sợi cơ tuýp 2. Bởi vậy, thiếu vitamin D ở người bệnh lupus có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của cơ và tăng mức độ mệt mỏi. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tăng mức 25-hydroxyvitamin D (25-OH-D) có thể giúp giảm tình trạng mệt mỏi này.[3]

3.3. Thiếu vitamin D và loãng xương

Vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình tạo xương. Liên tục thiếu hụt vitamin D dẫn đến còi xương, nhuyễn xương và dị dạng xương ở trẻ em. Đối với người lớn, tình trạng này dẫn đến đau xương, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Nguy cơ loãng xương và gãy xương tăng cao hơn ở người bệnh lupus. Một số yếu tố liên quan đến sinh lý bệnh của bệnh xương ở SLE là các yếu tố môi trường và hormon, thuốc, quá trình viêm, bệnh thận và thiếu vitamin D. Các phân tích tổng hợp gần đây cho thấy rằng vitamin D liều cao có thể làm giảm 19% nguy cơ té ngã và giảm 15–29% nguy cơ gãy xương [7]. Bởi vậy, đánh giá tình trạng thiếu hụt vitamin D và bổ sung vitamin D cho người bệnh lupus là vấn đề rất quan trọng và cần thiết, góp phần dự phòng và điều trị sớm loãng xương ở nhóm bệnh nhân này.

3.4. Thiếu vitamin D và bệnh thận

Viêm thận lupus ảnh hưởng đến khoảng 45% người bệnh SLE và gây ra biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Theo các nghiên cứu, có mối liên quan giữa thiếu hụt vitamin D và bệnh thận lupus. Trong thử nghiệm lâm sàng của Robinson và cộng sự, nồng độ 25-OH-D ở người bệnh lupus có liên quan trực tiếp với albumin huyết thanh và liên quan nghịch biến với vitamin D gắn protein/creatinin trong nước tiểu.[8] Tăng mất vitamin D gắn protein qua nước tiểu phản ánh mức độ protein niệu ở người bệnh lupus. Tăng 20ng/mL vitamin D trong huyết thanh có liên quan đến việc giảm 21% khả năng có điểm hoạt động bệnh cao và giảm 15% khả năng có protein niệu trên lâm sàng.[9]

3.5. Thiếu vitamin D và bệnh tim mạch

Vitamin D thấp có liên quan đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu và đái tháo đường [3] Các cơ chế giải thích cho tác động có hại của thiếu vitain D với hệ tim mạch bao gồm: tăng đề kháng với insulin, giảm hoạt động của renin, thay đổi chức năng nội mô mạch máu, giảm tác dụng điều hòa miễn dịch của cytokine và hormon.

3.6. Thiếu vitamin D và bệnh ác tính

Nồng độ 25-OH-D huyết thanh thấp hơn 20ng/mL trong dân số nói chung có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do ung thư đại tràng, buồng trứng, vú và tuyến tiền liệt. Vitamin D và các chất chuyển hóa của nó làm giảm tỷ lệ mắc một số loại ung thư bằng cách kích thích sự kết dính giữa các tế bào, ức chế sự hình thành mạch trong khối u, tăng các điểm nối giữa các tế bào.[3] 

4. Làm thế nào để dự phòng và điều trị thiếu vitamin D ở người bệnh SLE?

Từ những bằng chứng của các nghiên cứu, chúng ta đã nhận thấy được tầm quan trọng của bổ sung vitamin D cho người bệnh lupus. Bên cạnh lợi ích tiềm năng trong việc cải thiện hoạt động bệnh lupus, vitamin D còn được biết đến với tác dụng điều hòa miễn dịch, có lợi cho các tổn thương cơ xương và tim mạch ở người bệnh lupus. 

Vitamin D là một vi chất an toàn với chi phí thấp và dễ tiếp cận. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc tự ý bổ sung vitamin D có thể gây hại cho bản thân người bệnh lupus. Quá liều vitamin D có thể gây tăng calci niệu, tăng calci huyết, sỏi thận. Chính vì vậy, người bệnh SLE cần được bác sĩ thăm khám và thực hiện xét nghiệm đo nồng độ vitamin D trước khi bổ sung.

Hình 3. Xét nghiệm vitamin D trong máu giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị tình trạng thiếu vitamin D

 

Tại Úc, người bệnh được xét nghiệm vitamin D trong lần đầu khám, kê đơn và kiểm tra lại sau 3 tháng để theo dõi đáp ứng điều trị.[10] Hiện nay chưa có sự đồng thuận quốc tế về liều tối ưu bổ sung vitamin D. Cơ quan An toàn và Thực phẩm Châu Âu (European Food and Safety Authority) khuyến cáo bổ sung dưới 4000 IU/ngày.[11] Bổ sung vitamin D ở người bệnh lupus được khuyến cáo vì nồng độ vitamin D tăng lên có thể cải thiện tình trạng viêm và có khả năng cải thiện lâm sàng. Việc sử dụng vitamin D cho người bệnh SLE cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên ngành Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng để có được hiệu quả điều trị cao nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sizar O, Khare S, Goyal A, Givler A. Vitamin D Deficiency. 2022 May 1. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 Jan–. PMID: 30335299.

2. Barbhaiya M, Costenbader KH. Ultraviolet radiation and systemic lupus erythematosus. Lupus. 2014 May;23(6):588-95. doi: 10.1177/0961203314530488. PMID: 24763542.

3. Hassanalilou T, Khalili L, Ghavamzadeh S, Shokri A, Payahoo L, Bishak YK. Role of vitamin D deficiency in systemic lupus erythematosus incidence and aggravation. Auto Immun Highlights. 2017;9(1):1. Published 2017 Dec 26. doi:10.1007/s13317-017-0101-x

4. Kamen DL. Vitamin D in lupus: new kid on the block? Bull Hosp Jt Dis. 2010;68:218.

5. Mok CC, Birmingham DJ, Leung HW, Hebert LA, Song H, Rovin BH. Vitamin D levels in Chinese patients with systemic lupus erythematosus: relationship with disease activity, vascular risk factors and atherosclerosis. Rheumatology. 2012;51:644–652.

6. Yap K, Northcott M, Hoi AB, Morand E, Nikpour M. Association of low vitamin D with high disease activity in an Australian systemic lupus erythematosus cohort. Lupus Sci Med. 2015;2:e000064.

7. Bischoff-Ferrari HA, Shao A, Dawson-Hughes B, Hathcock J, Giovannucci E, Willett WC. Benefit–risk assessment of vitamin D supplementation. Osteoporis Int. 2010;21:1121–1132.

8. Robinson AB, Thierry-Palmer M, Gibson KL, Rabinovich CE. Disease activity, proteinuria, and vitamin D status in children with systemic lupus erythematosus and juvenile dermatomyositis. J Pediatr. 2012;160:297–302.

9. Petri M, Bello KJ, Fang H, Magder LS. Vitamin D in systemic lupus erythematosus: modest association with disease activity and the urine protein-to-creatinine ratio. Arthr Rheum. 2013;65:1865–1871.

10. Nowson CA, McGrath JJ, Ebeling PR, Haikerwal A, Daly RM, Sanders KM, et al. Vitamin D and health in adults in Australia and New Zealand: a position statement. Med J Aust. 2012;196:686–687.

11. Vero V, Gasbarrini A. The EFSA health claims ‘learning experience’ Int J Food Sci Nutr. 2012;63:14–16.

Đăng ký khám trực tuyến

Đặt lịch hẹn khám

Bạn đang cần được tư vấn ?

Zalo Phòng khám Tâm Phúc 0901588699