Nhà của bạn chính là lâu đài của bạn, ngoại trừ việc có thể bạn bị dị ứng với nó. Một cuộc khảo sát gấn đây tại Mỹ cho thấy hơn 50% số người Mỹ cho kết quả dương tính với ít nhất một dị nguyên gây dị ứng và nhiều hơn cả là dị ứng với bọ nhà, nấm mốc , gián và lông thú cưng như chó, mèo. Làm sao bạn có thể chống lại tình trạng dị ứng này, khi nó là nơi bạn bạn dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và đặc biệt tron những ngày cách ly xã hội do dịch cúm Covid 19 như những ngày này. Hôm nay tôi viết bài này nhằm giúp các bạn tìm ra căn nguyên của những vấn đề dị ứng đó, cũng như giải pháp để cải thiện tình trạng này.
I. Dị nguyên là gì? Có những loại dị nguyên nào?
Dị nguyên là những chất xa lạ với cơ thể và có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Dị nguyên có thể là bất kể thứ gì xung quanh ta, nó có mặt ở khắp nơi trên thế giới này, trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh sống nào giàu hay nghèo, văn minh hay không chúng đều tổn tại.
Dị nguyên thường được chia làm hai nhóm cho thuận tiện trong việc phân loại bao gồm:
- Dị nguyên trong nhà như: Bụi nhà, gián, nấm mốc, lông thú cưng như chó mèo...
- Dị nguyên bên ngoài môi trường như: Phấn hoa, cỏ...
Ngoài ra thì như đã nói ở trên mọi thứ xung quanh ta đều có thể là dị nguyên như thức ăn, thuốc, mỹ phẩm, hóa chất, các loại kim loại như kẽm, đồng, niken... trong bài này tôi chỉ đề cập nhiều tới dị nguyên trong nhà, vì chúng ta đang có 2 tuần ở trong nhà cách ly xã hội, và chúng ta sẽ phải nhận diện và xử lý chúng càng sớm càng tốt để tránh gây ra các phản ứng dị ứng.
Chúng ta hiểu bản chất và vị trí của các nguồn dị nguyên phổ biến, đặc biệt dị nguyên trong nhà sẽ là chìa khóa để chúng ta dự phòng và giảm mức độ tiếp xúc hoặc tránh hoàn toàn chúng nếu có thể
II. Dị nguyên trong nhà có thể gây bệnh gì?
Bụi nhà là hỗn hợp nhiều thành phần có thể gây phản ứng dị ứng, nó bao gồm nhiều loại bọ nhà như Dermatophagoides pteronyssinus, Dermatophagoides farinae, Blomia. Mạt bụi nhà phát triển mạnh ở những nơi ấm áp, ẩm ướt. Gián, nấm mốc và lông và da thú cưng trong nhà như chó, mèo, chim chúng là nguyên nhân hàng đầu gây viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen phế quản và viêm da dị ứng.
1. Biểu hiện lâm sàng khi chúng ta tiếp xúc với dị nguyên bọ nhà
Không phải tất cả mọi người đều gặp phải vấn đề với dị nguyên trong nhà, chỉ những người mang hệ gen nhạy cám với những dị nguyên này mới biểu hiện triệu chứng, mức độ nặng hay nhẹ của triệu chứng thay đôi theo tuổi, tần số tiếp xúc, cũng như nồng độ dị nguyên tiếp xúc. Do đó nếu trong môi trường không được vệ sinh thường xuyên, và thời gian chúng ta ở nhà nhà nhiều sẽ tăng các biểu hiện của phản ứng dị ứng với dị nguyên.
Viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng có thể nói là những bệnh có mức độ nhạy cảm với lớn với nồng độ cũng như thời gian tiếp xúc với dị nguyên trong nhà. Khi chúng ta ở trong nhà nhiều sẽ làm tăng thời gian tiếp xúc với dị nguyên ,do đó hầu hết các biểu hiện lâm sàng của bệnh dị ứng tăng lên.
- Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng tăng lên như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, ngạt mũi.
- Các triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng tăng lên ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa quanh bờ mi, viêm đỏ màng niêm mạc mắt.
- Các triệu chứng của hen phế quản tăng lên như xuất hiện cơn hen phế quản cấp ở những bệnh nhân đang kiểm soát tốt tình trạng bệnh, đặc biệt về đêm và gần sáng.
- Các triệu chưng của viêm da dị ứng tăng lên như ngứa, khô da, nứt da chảy huyết tương.
2. Dị ứng trong phòng ngủ
Một nhóm tác giả người Mỹ cho rằng phòng ngủ là nơi chứa nhiều dị nguyên gây dị ứng nhất trong các phòng còn lại trong ngôi nhà bạn, bởi vì dị nguyên gây dị ứng trong nhà phổ biến nhất là mạt bui nhà. Điều vô cùng quan trọng bạn có thể làm được để hạn chế tình trạng dị ứng mạt nhà là bạn cần sử dụng loại ga bọc đệm và đặc biệt là những chiếc gối của bạn bằng một loại chất liệu vải ngăn chặn sự phát triển của bọ nhà, cũng như hạn chế những vật liệu làm nơi ở và phát triển của bọ nhà như sách báo cũ, thảm, gấu bông, rèm cửa bằng vải, thường xuyên hụt bụi trong phòng ngủ cũng giúp hạn chế được dị nguyên bọ nhà và nấm mốc trong phòng.
Khi bạn hoặc con trẻ lô đùa trong phòng ngủ vô tình đã làm khuấy động các hạt bui nhà từ sàn nhà, chăn, ga, gối đệm phân tán nhiều hơn trong không khí, điều này làm tăng nồng độ dị nguyên dị ứng trong khí thở, cũng như tiếp xúc trên da chúng ta, hậu quả là nó làm tăng triệu chứng của các bênh dị ứng.
Một số điều cần chú ý trong phòng ngủ như:
- Luôn hút bụi trong phòng ngủ thay vì chúng ta sử dụng chổi để quét nhà (chổi không thể quét được bụi nhà, mà chỉ làm khuấy chúng lên không khí rồi lại lắng xuống)
- Luôn dọn dẹp sạch sẽ phòng ngủ hạn chế các con thú nhồi bông, nếu con các bạn yêu thích thú nhồi bông thì các bạn phải giặt chúng bằng nước nóng ít nhất 1 lần/tuần.
- Loại bỏ thảm từ phòng ngủ, và các phòng còn lại trong nhà nếu có thể.
- Giữ thú cưng bên ngoài phòng ngủ và chắc chắn là ngoài giường của bạn. Ngày cả khi bạn không dị ứng với thú cưng, chúng có thể mang dị nguyên vào phòng ngủ và lên giường trên bộ lông của chúng.
- Nếu được bạn có thể đặt bộ lọc không khí làm sạch không khí phòng ngủ và hạn chế dị nguyên gây dị ứng.
3. Dị ứng trong phòng khách, phòng sinh hoạt chung
Những phòng này có thể chứa ít dị nguyên dị ứng hơn phòng ngủ, tuy nhiên chúng ta vẫn nên tuân thủ các nguyên tác cơ bản sau để hạn chế dị nguyên dị ứng.
- Hạn chế sử dụng thảm trải sàn, hoặc không sử dụng là tốt nhất.
- Chọn đồ nội thất bằng gỗ, da, hoặc vinyl thay vì bằng nhung, vải, len
- Hạn chế đồ chơi như thú nhồi bông, và thường xuyên giặt chúng.
- Luôn luôn sử dụng máy hút bụi thay cho chổi quét nhà. Bạn cũng cần đeo khẩu trang khi hút bụi
4. Dị ứng trong phòng bếp và nhà tắm
Gián và nấm mốc là hai yếu tố thường gặp gây đợt cấp bệnh viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Hai yếu tố này cũng tồn tại nhiều trong phòng bếp. Do đó, chúng ta cần có biện pháp để hạn chế sự phát triển của chúng như luôn giữa sạch sẽ căn bếp của bạn, quản lý thức ăn thừa và thùng rác luôn được che đậy và làm sạch thường xuyên. Phòng tắm cũng cần hạn chế đồ vải để tránh ẩm mốc phát triển, vệ sinh bề mặt thường xuyên.
Bạn cần làm gì nếu có biểu hiện dị ứng khi ở trong nhà hoặc tình trạng bệnh của bạn nặng hơn? Hãy liên hệ ngay với bác sỹ chuyên khoa của bạn để được hướng dẫn cụ thể và điều chỉnh thuốc nếu cần.