alt

MÀY ĐAY SẨN NGỨA Ở PHỤ NỮ CÓ THAI

  Thứ Thu, 07/07/2022

Tác giả: TS.BS. Bùi Văn Khánh, 

BSNT. Cao Thị Trinh

Làm mẹ là sứ mệnh cao cả và thiêng liêng nhất của người phụ nữ. Quá trình mang thai khiến cơ thể người phụ nữ thay đổi rất lớn, cả về tinh thần và thể chất, đặc biệt là hệ miễn dịch. Đôi khi những thay đổi này mang lại sự phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai (Pruitic Urticarial Papules and Plaques of Pregnacy - PUPPP) chính là một trong số những biểu hiện bệnh lý đó. Bài viết sau đề cập đến một ca bệnh PUPPP và thông qua đó giúp các mẹ hiểu hơn về biểu hiện bệnh cũng như cách điều trị.

CA LÂM SÀNG

Nữ bệnh nhân 30 tuổi, mang thai 34 tuần đến gặp BS Khánh tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ban đỏ, sẩn ngứa toàn thân. Trình trạng này xuất hiện từ lúc thai 33 tuần, ban đầu chỉ ở vị trí rạn da bụng, sau 2 tuần lan toàn thân. Cô ấy ngứa dữ dội, không ngủ được, tự dùng lá tắm nhưng không đỡ, tổn thương nặng hơn và được nhập viện. Qua thăm khám, thai phụ có tổn thương ban đỏ, sẩn ngứa toàn thân, vùng bụng, hai tay, hai đùi có nhiều vết tăng sắc tố do cào gãi. Các dấu hiệu sinh tồn như mạch, huyết áp bình thường. Xét nghiệm máu không có bất thường, không nhiễm kí sinh trùng ghẻ. Thai phát triển bình thường. Thai phụ được chẩn đoán Mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai (Pruitic Urticarial Papules and Plaques of Pregnacy - PUPPP).

Hình 1. Tổn thương da vùng bụng và tay của bệnh nhân.

BÀN LUẬN

1. Mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai là gì?

Trong thai kỳ, thay đổi nội tiết, miễn dịch, chuyển hoá và mạch máu rất phức tạp ảnh hưởng đến da theo nhiều cách khác nhau. Nhiều thay đổi của da trong khi mang thai có thể được phân loại là thay đổi da sinh lý, hay bệnh lý. Mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai - PUPPP (Pruitic Urtaicarial Papules and Plaques of Pregnancy) hay còn được gọi là phát ban đa dạng ở phụ nữ có thai ( Polymorphic eruption of pregnancy) là bệnh viêm da phổ biến nhất trong thời kỳ mang thai.

Bệnh rối loạn phản ứng viêm da lành tính, gây ngứa nhiều, biểu hiện lâm sàng đặc trưng là ban đa hình thái. Trên mô da sinh thiết, hình ảnh miễn dịch huỳnh quang trực tiếp bình thường. Ngoài ra các xét nghiệm khác cũng không có bất thường thường (trừ khi có bội nhiễm). 

2. Ai là người dễ mắc mày đay sẩn ngứa trong thai kỳ?

Nguyên nhân của PUPPP vẫn chưa được biết, mặc dù các giả thuyết nguyên nhân khác nhau đã được đề xuất, bao gồm sự giãn căng bụng, thay đổi nội tiết tố, các yếu tố nhau thai và vai trò của DNA thai trong ở tổn thương da của bệnh nhân PUPPP. 

Tỷ lệ mắc PUPPP là 0,5% trong thai đơn, 2,9 đến 16% trong thai sinh đôi và 14 đến 17% khi mang thai ba. [3] [4] Tổn thương thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, tỉ lệ cao hơn ở lần mang thai đầu tiên, và không tái lại ở thai kỳ tiếp theo. Các báo cáo cho rằng mẹ tăng cân nhiều/con quá cân có liên quan đến PUPPP. Thụ tinh nhân tạo cũng làm tăng tỉ lệ mắc PUPPP. [5] Liên quan đến giới tính của thai nhi, tỷ lệ thai nam/nữ từ 1-2. Thông thường, PUPPP không liên quan đến di truyền.

3. Biểu hiện của bệnh như thế nào?

Bệnh thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, rất hiếm biểu hiện sau sinh. Tổn thương dạng sẩn phù, ban đỏ, kích thước nhỏ hoặc có thể liên kết thành mảng, ngứa nhiều và thường khởi phát ở các vết rạn da ở bụng. Tiến triển có thể nhanh trong vài ngày - vài tuần, lan đến đùi, mông và tứ chi nhưng hiếm khi liên quan đến mặt, lòng bàn tay, bàn chân. [1] Sau đó, hầu hết tất cả các bệnh nhân có nhiều đặc điểm đa hình hơn khi bệnh tiến triển, bao gồm ban đỏ lan rộng, tổn thương dạng đĩa, hay các vết chàm. Bệnh thường không có tổn thương niêm mạc và không liên quan đến tiền sản giật/sinh non.

Hình 1. Tổn thương da vùng lưng và đùi của bệnh nhân.

4. Làm thế nào để chẩn đoán mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai?

Do biểu hiện tổn thương da của bệnh đa dạng, người bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác như Pemphigoids thai (Herpes thai kỳ), viêm da cơ địa, chốc, hay ứ mật trong gan. Bởi vậy, người bệnh cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng và Da liễu giàu kinh nghiệm để được chẩn đoán sớm và có phác đồ điều trị phù hợp.

5. Điều trị mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai có khó không?

Thai kỳ là một yếu tố quan trọng và khó khăn trong việc lựa chọn thuốc điều trị cho bác sĩ lâm sàng. Các thuốc sử dụng cho phụ nữ có thai cần đảm bảo hiệu quả và tính an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Các liệu pháp điều trị hiện tại chủ yếu là kiểm soát triệu chứng. Kháng histamin H1 và corticoids bôi tại chỗ có thể kiểm soát tốt triệu chứng. Trường hợp nặng, sẩn phù toàn thân cần thêm corticoids đường toàn thân theo chỉ định của bác sĩ.[6] 

Các biện pháp không dùng thuốc khác giúp cải thiện triệu chứng ngứa rát bao gồm hạn chế tắm nước nóng, kem dưỡng ẩm làm dịu da, mặc quần áo mỏng nhẹ thoáng khí. 

6. Kết luận

Mày đay sẩn ngứa ở phụ nữ có thai mang lại nhiều phiền toái, khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý của thai phụ. Thăm khám, phát hiện và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng và Da liễu giúp làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, giảm căng thẳng cho người mẹ và duy trì một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Lehrhoff S, Pomeranz MK. Specific dermatoses of pregnancy and their treatment. Dermatol Ther. 2013 Jul-Aug;26(4):274-84. 
2. Lawley TJ, Hertz KC, Wade TR, Ackerman AB, Katz SI. Pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy. JAMA. 1979 Apr 20;241(16):1696-9.
3.  Rudolph CM, Al-Fares S, Vaughan-Jones SA, Müllegger RR, Kerl H, Black MM. Polymorphic eruption of pregnancy: clinicopathology and potential trigger factors in 181 patients. Br J Dermatol. 2006 Jan;154(1):54-60. 
4.  Elling SV, McKenna P, Powell FC. Pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy in twin and triplet pregnancies. J Eur Acad Dermatol Venereol. 2000 Sep;14(5):378-81. 
5.  Ghazeeri G, Kibbi AG, Abbas O. Pruritic urticarial papules and plaques of pregnancy: epidemiological, clinical, and histopathological study of 18 cases from Lebanon. Int J Dermatol. 2012 Sep;51(9):1047-53.
6. Taylor D, Pappo E, Aronson IK. Polymorphic eruption of pregnancy. Clin Dermatol 2016; 34:383.
 

 

Đăng ký khám trực tuyến

Đặt lịch hẹn khám

Bạn đang cần được tư vấn ?

Zalo Phòng khám Tâm Phúc 0901588699