Tác giả: ThS.BSNT. Nguyễn Hồng Ngọc
Thông thường, một bệnh lý được đặt tên theo đặc điểm nổi bật của bệnh, nguyên nhân gây bệnh, tên của bệnh nhân đầu tiên, hoặc tên của nhà khoa học phát hiện ra bệnh. Thuật ngữ “Lupus ban đỏ hệ thống” được dịch ra từ tên tiếng Anh của bệnh là Systemic Lupus Erythematorus (viết tắt là SLE). Tại sao bệnh lại có một cái tên dài và khó đọc như vậy? Liệu “lupus” có phải tên của bệnh nhân đầu tiên không? Câu chuyện bắt đầu từ những thế kỷ đầu Công nguyên.
“Lupus” là từ mượn tiếng La tinh, có nghĩa là chó sói. Theo các tài liệu ghi nhận, đây là họ của một gia đình người Roman cổ, trong gia đình này có một vị thánh tên là Lupus sống ở trung tâm nước Pháp năm 400 Công nguyên. Làm cách nào mà tên của một loài động vật ăn thịt lớn lại có liên quan đến bệnh vẫn còn là một câu hỏi ngỏ. Có những giả thuyết cho rằng, tổn thương da của bệnh lupus giống như vết cắn của chó sói, tuy nhiên, điều này đến nay không có ai xác nhận! Những hiểu biết sớm nhất về việc thuật ngữ “Lupus” được sử dụng trong y học xuất hiện trong tiểu sử của thánh Martin vào thế kỷ thứ 10.
“Erythematorus” có nghĩa là ban đỏ. Tổn thương ban đỏ ở da là điểm gây chú ý nhất ở các bệnh nhân này. Năm 1845, Ferdinand von Hebra (1816 – 1880, Vienna) ghi nhận bệnh nhân lupus với ban đỏ như hình cánh bướm ở mặt. Năm 1851, Pierre L. Cazenave (1795 – 1877, Paris) đã mô tả về bệnh lý này trong ấn bản sách của mình: “Đây là bệnh rất hiếm và thường xuất hiện ở người trẻ, đặc biệt là ở phụ nữ. Bệnh chủ yếu biểu hiện ở mặt. Với các mảng đỏ tròn, hơi gồ cao, bắt đầu bằng một chấm màu đỏ, dạng sẩn, tăng dần về chu vi và đôi khi lan ra phần lớn khuôn mặt…”. Tuy nhiên ông này chủ yếu tập trung mô tả đến biểu hiện bệnh theo hướng da liễu mà ít đề cập đến các tổn thương nội tạng. Có những thời điểm, bệnh lupus ban đỏ hệ thống bị hiểu nhầm rằng do vi khuẩn lao gây lên trong thời gian dài.
Theo thời gian, người ta ghi nhận nhiều biểu hiện trên các cơ quan nội tạng ở bệnh nhân lupus như viêm cầu thận, thiếu máu tan máu, tràn dịch các màng… Bởi vậy, từ năm 1954, từ “Systemic” - có nghĩa là hệ thống - đã được thêm vào thành thuật ngữ đầy đủ “ Systemic Lupus Erythematorus”. Thuật ngữ này nhấn mạnh rằng tổn thương da không phải là tiêu chí tiên quyết để chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống. Điều này giúp phân biệt với bệnh “Chronic Discoid Lupus Erythematorus” hay bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa kinh diễn mà chỉ có biểu hiện ở da.
Nguyên nhân và cơ chế khiến bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan sẽ được đề cập ở bài viết tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. Daniel J. Wallace. Dubois' Lupus Erythematosus and Related Syndromes - 9th Edition - August 16, 2018.